Vang đỏ có thể giảm nguy cơ ung thư phổi

Theo kết quả công trình nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học thuộc tổ chức chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente (Mỹ), uống rượu vang đỏ ở mức hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi ở nam giới.
Nghiên cứu này dựa trên việc phân tích các số liệu tổng hợp về tình trạng sức khỏe, nhân khẩu học và thói quen sinh hoạt của hơn 84.000 nam giới ở độ tuổi từ 45-69 trong khoảng thời gian 4 năm (2000-2003). Trong số này sau đó có 210 trường hợp mắc benh ung thu phổi.

Các nhà khoa học đã so sánh, đối chiếu để tìm ra mối liên hệ giữa bia, vang đỏ, vang trắng và rượu đối nguy cơ mắc benh ung thu phổi. Kết quả cho thấy nguy cơ bị ung thư phổi ở những người uống mỗi tháng một ly rượu vang đỏ giảm trung bình là 2%. Nguy cơ này giảm mạnh nhất (tới 60%) ở những đối tượng hút thuốc lá nhưng uống đều đặn từ 1 đến 2 ly vang đỏ/ngày.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ rượu vang đỏ giảm được nguy cơ mắc benh ung thu phổi ở nam giới là vì trong loại rượu này có thành phần chống ôxy hóa cực kỳ có lợi cho sức khỏe.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo cánh mày râu rằng cai thuốc lá vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi. Họ nhấn mạnh dù uống 1 đến 2 ly vang đỏ/ngày, những người nghiện thuốc lá vẫn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn so với những người không hút.

Công trình nghiên cứu này được công bố trên tạp chí "Dịch tễ học ung thư, những dấu ấn sinh học và biện pháp phòng ngừa" của Hội nghiên cứu ung thư Mỹ số ra tháng 10/2008.


Theo TTXVN

Phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ

Ung thư vú là mối đe dọa gây tử vong hàng đầu cho tất cả phụ nữ. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể và dẫn tới tử vong.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, một vài yếu tố thường thấy ở nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như: phụ nữ trên 50 tuổi; người thân đời thứ nhất (mẹ, chị em gái, con gái) có mắc bệnh ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 4 lần; bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung; tiểu đường sau mãn kinh; sinh con đầu lòng ở độ tuổi sau 30 hoặc không có con; ăn nhiều chất béo, uống rượu và hút thuốc thường xuyên, chứng béo phì (đặc biệt sau thời kỳ mãn kinh)...

Triệu chứng của bệnh:

Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng và không có dấu hiệu báo động cho người bệnh. 

Về sau có thể có các triệu chứng sau:

- Có nước hoặc dịch chảy ra từ núm vú hoặc núm vú bị loét.

- Có bướu hoặc khối u ở vú hoặc vùng nách, thường không đau.

- Những thay đổi có thể nhìn thấy được: vóc dáng vú thay đổi, có cảm giác đau núm vú hoặc núm vú lõm vào bên trong, da vú nhăn và sần.

Ở giai đoạn ung thư muộn, vú bị teo cứng lại hoặc phình ra biến dạng, lở loét. Tuy nhiên, một số bệnh khác ở vú cũng có thể gây ra các triệu chứng kể trên, như nang vú, tiết dịch, bọc sữa... do đó khi có những dấu hiệu này, không nên khủng hoảng nhưng vẫn cần đi khám ngay để xác định có phải ung thư không để được điều trị sớm nhất. Vì nếu ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả.

Điều trị

Việc điều trị ung thư vú tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn chưa di căn thì điều trị mang lại kết quả tốt. Có một số phương pháp điều trị ung thư vú như phẫu thuật, xạ trị bổ sung sau mổ và nội khoa.

Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư vú?

Muốn phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ độ 4-5mm, chỉ có một cách làm tự nhiên là tự khám ngực mình hàng tháng. Nếu phụ nữ có kinh nguyệt thì khám vào ngày sạch kinh. Cách tự khám vú như sau: Đứng trước gương, hai tay xuôi theo người nhìn xem ngực có sự thay đổi về hình dạng và kích thước không. Sau đó, một tay chống vào hông tay kia vặn và siết đầu vú xem có dấu hiệu rỉ dịch hay chảy máu không. Bạn có thể nằm ngửa, tay trái đưa ra sau gáy, dùng các ngón tay phải ép sát tuyến vú vào thành sườn, đẩy lên xuống để tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường (lập lại bước này với vú phải). Sau cùng, dùng phần mềm đầu ngón tay tìm kiếm hạch ở hõm nách. Thời gian tự khám vú tốt nhất là sau khi sạch kinh nguyệt 5 ngày. Nói chung tự theo dõi và khám sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất. Từ 20 tuổi trở lên, phụ nữ nên tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa khám vú mỗi năm một lần.

Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.


Bác sĩ Thu Lan

15 triệu chứng ung thư nam giới hay bỏ qua

Khi có các triệu chứng này nhất định phải đi khám sớm, không nên để muộn. Nhưng khi nói đến đi khám bệnh, người đàn ông thường lười biếng, nhiều người chỉ chịu đi khi bị thúc giục bởi vợ con hoặc người thân.

15 triệu chứng ung thư nam giới hay bỏ qua
Ảnh minh họa

Triệu chứng 1: ngực lớn 

Đàn ông vẫn  có thể bị ung thư vú dù không phổ biến. Bất kỳ khối lớn nào mới  có  trong khu vực vú của một người đàn ông đều cần được kiểm tra bởi bác sĩ.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ xác định một số dấu hiệu đáng lo ngại khác  liên quan đến vú mà nam cũng như  nữ cần phải lưu ý, bao gồm:
- Da lún xuống  hoặc nhăn.
- Núm vú co rút.
- Da bị đỏ hoặc có vảy ở  núm vú hoặc da ngực.
- Dịch ra từ núm vú.

Triệu chứng 2: đau

Khi có tuổi, người ta thường phàn nàn mệt mỏi và đau đớn tăng. Nhưng đau mơ hồ, có thể là một triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư. Hầu hết những người  than đau không nghĩ  là do ung thư.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bất cứ  đau dai dẳng nào cũng cần đi khám bệnh  để  kiểm tra. Các bác sĩ nên  hỏi bệnh sử  cẩn thận, biết thêm các chi tiết, và sau đó quyết định xem tiếp tục kiểm tra tiếp có cần thiết không. Nếu  không phải là ung thư, bạn vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc đi khám bệnh. Bởi vì các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây đau và đưa ra điều trị thích hợp cho bạn.

Triệu chứng 3: các thay đổi ở tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn thường xảy ra ở nam giới độ tuổi từ 20 - 39. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo  đàn ông  nên  được  kiểm tra tinh hoàn  như là một phần của kiểm tra sức khỏe thường quy liên quan đến ung thư. Một số bác sĩ cũng đề nghị  nên tự kiểm tra hàng tháng.

 Bất kỳ sự thay đổi về kích thước của tinh hoàn, chẳng hạn như sự tăng trưởng hay co rút nên có một mối quan tâm.

Ngoài ra, không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu sưng nào, hoặc cảm giác nặng nề trong bìu.

Bác sĩ  cần kiểm tra tinh hoàn và đánh giá tổng thể sức khỏe của bạn. Nếu nghi ngờ ung thư, xét nghiệm máu có thể được  chỉ định. Bạn cũng có thể  có một cuộc kiểm tra siêu âm bìu của bạn, và bác sĩ có thể quyết định sinh thiết.

Triệu chứng 4: thay đổi ở các hạch

Nếu bạn nhận thấy một khối u hoặc sưng ở các hạch bạch huyết dưới nách hay ở cổ - hoặc ở bất cứ nơi nào khác - nó có thể là một lý do để quan tâm. BS. Hannah Linden (trường y Đại học tổng hợp Washington) nói: “Nếu bạn có một hạch bạch huyết càng ngày càng lớn hơn, và thời gian này dài hơn một tháng, hãy đi khám bệnh”.

Bác sĩ sẽ kiểm tra  cho bạn và xác định bất kỳ vấn đề nào liên quan có thể giải thích sự lớn lên của hạch bạch huyết, chẳng hạn như nhiễm trùng. Nếu  không bị  nhiễm trùng, bác sĩ thường sẽ sinh thiết.

Triệu chứng 5: sốt

Nếu bạn  bị  sốt không rõ nguyên nhân, nó có thể do ung thư. Hầu hết các bệnh ung thư sẽ gây sốt tại một số  thời điểm. Thường, sốt xảy ra sau khi ung thư đã lan từ vị trí ban đầu của nó và xâm chiếm một phần khác của cơ thể. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, sốt cũng có thể được gây ra bởi bệnh ung thư máu như u lympho hoặc bệnh bạch cầu.
Tốt nhất là không bỏ qua một cơn sốt không tìm được nguyên nhân.

Triệu chứng 6: sụt cân  không cố ý

Giảm cân bất ngờ là một mối lo ngại. Nếu một người đàn ông mất hơn 10% trọng lượng cơ thể của mình trong một khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, nên đi khám bệnh ngay.
Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng thể, hỏi  bạn những câu hỏi về chế độ ăn uống và tập thể dục của bạn, và hỏi về các triệu chứng khác. Dựa trên thông tin đó,  bác sĩ sẽ quyết định những xét nghiệm  cần thiết khác.

Triệu chứng 7:  đau cồn cào vùng bụng và trầm cảm

Bất kỳ đàn ông (hay đàn bà), bị  đau ở bụng và cảm thấy trầm cảm  cần phải đi  kiểm tra sức khỏe. Các chuyên gia đã tìm thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và ung thư tuyến tụy. Các triệu chứng khác của bệnh ung thư tuyến tụy có thể bao gồm vàng da, thay đổi màu phân - thường là màu xám - nước tiểu màu sậm. Cũng có thể xảy ra.ngứa toàn thân
 Hãy yêu cầu  bác sĩ khám cẩn thận và  làm bệnh án cho bạn. Các bác sĩ nên làm các xét nghiệm như siêu âm, CT-Scan hoặc cả hai cũng như các xét nghiệm khác.

Triệu chứng 8: mệt

Mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ  khác có thể chỉ ra ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khác cũng có thể gây ra mệt mỏi. Giống như sốt, mệt mỏi có thể bị sau khi ung thư đã phát triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nó cũng có thể xảy ra  khi bắt đầu bị các bệnh  ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư đại tràng, hoặc ung thu da day.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bạn không hết mệt  với nghỉ ngơi, hãy đi khám bệnh.

Triệu chứng 9: ho dai dẳng

Loại trừ ho do cảm lạnh, cúm, và các bệnh dị ứng, đôi khi do một tác dụng phụ của thuốc, ho kéo dài - được định nghĩa là kéo dài hơn ba hoặc bốn tuần - hoặc có thay đổi về ho thì không nên bỏ qua. Các kiểu ho này phải  đi khám bệnh. Chúng có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư, hoặc chúng có thể chỉ ra một số vấn đề khác như viêm phế quản mãn tính hoặc trào ngược acid.

Bác sĩ nên làm bệnh án cẩn thận, khám họng của bạn, nghe phổi của bạn, xác định chức năng của chúng với kiểm tra đo phế dung (spirometry), và nếu bạn là người hút thuốc, cần chụp X-quang.

Triệu chứng 10: khó nuốt

Một số đàn ông có thể bị khó nuốt, nhưng sau đó bỏ qua nó. Theo thời gian, họ thay đổi chế độ ăn uống của họ với một chế độ ăn uống nhiều chất lỏng họ bắt đầu uống canh nhiều hơn nhưng nuốt khó, có thể là một dấu hiệu của một bệnh ung thư đường tiêu hóa (GI), chẳng hạn như ung thư thực quản.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp khó khăn khi nuốt. Bác sĩ nên làm bệnh án  cẩn thận và có thể cho bạn chụp X-quang có chất cản quang. Bác sĩ cũng có thể gửi cho bạn đến một chuyên gia  về nội soi đường tiêu hóa  trên để kiểm tra thực quản và đường tiêu hóa trên.

 Triệu chứng 11: các  thay đổi ở da

Bạn nên cảnh giác không  những thay đổi duy nhất ở nốt ruồi - một dấu hiệu nổi tiếng của ung thư da tiềm ẩn - mà còn các  thay đổi sắc tố da, bác sĩ Mary Daly cho biết. Bác sĩ Daly là một bác sĩ chuyên khoa ung thư và là trưởng khoa  di truyền học lâm sàng tại Trung tâm Ung thư Fox Chase ở Philadelphia.

Bác sĩ Daly cũng nói rằng đột nhiên phát triển chảy máu trên da của bạn hoặc bong da quá nhiều là lý do để đi khám bệnh. Thật khó để nói rằng bao lâu là quá lâu để thực hiện thay đổi ở da, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng không phải chờ đợi lâu hơn vài tuần.

Để tìm ra nguyên nhân gì gây ra những thay đổi da, bác sĩ sẽ  hỏi  bệnh sử và thực hiện khám toàn thân cẩn thận. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết để loại trừ ung thư.

Triệu chứng 12: chảy máu nơi không nên có

Bất cứ lúc nào bạn thấy có máu đến từ một phần cơ thể mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy nó trước, hãy đi gặp bác sĩ. Nếu bạn bắt đầu ho ra máu, khạc nhổ ra máu, có máu trong phân hoặc trong nước tiểu, bạn nên đi khám bệnh. Khi cho rằng máu trong phân chỉ đơn giản là từ bệnh trĩ là một sai lầm  vì nó thể là ung thư ruột kết.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về các triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm như nội soi. Đây là một kiểm tra đại tràng bằng cách sử dụng một ống dài linh hoạt với một máy ảnh ở đầu ống. Mục đích của nội soi là để xác định bất kỳ dấu hiệu của ung thư hay tiền ung thư hoặc xác định bất kỳ nguyên nhân khác gây chảy máu.

Triệu chứng 13 : thay đổi ở miệng

Nếu bạn hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, bạn cần phải đặc biệt cảnh giác với bất kỳ mảng trắng nào bên trong miệng hoặc đốm trắng trên lưỡi của bạn. Những thay đổi này có thể cho thấy bạch sản, một khu vực tiền ung thư có thể xảy ra với các kích thích liên tục. Tình trạng này có thể tiến triển thành ung thư miệng.

Bạn nên báo cáo những thay đổi với bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn. Nha sĩ hoặc bác sĩ nên  hỏi bệnh sử cẩn thận, kiểm tra các thay đổi, và sau đó quyết định những xét nghiệm có thể là cần thiết khác.

Triệu chứng 14: các vấn đề đường tiểu

Như người đàn ông có  tuổi, vấn đề tiết niệu  trở nên thường xuyên hơn.
Những vấn đề này bao gồm:

- Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
- Cảm giác  mắc tiểu cấp bách.
- Một cảm giác không  tiểu hết.
- Không thể để bắt đầu tiểu.
- Nước tiểu rò rỉ khi cười hoặc ho.
- Một sự suy yếu của dòng nước tiểu.

Tuy nhiên, một khi bạn nhận thấy những triệu chứng này, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng kỹ thuật số,  để biết  tuyến tiền liệt  có bị lớn lên không hoặc có các nốt không. Tuyến tiền liệt thường to ra khi người nam có tuổi. Nó thường do một điều kiện không phải ung thư  gây ra được gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc BPH (benign prostatic hyperplasia). Khi cần thiết, bác sĩ có thể sẽ làm một số xét nghiệm khác.

Triệu chứng 15: khó tiêu

Nhiều người đàn ông, đặc biệt là khi họ lớn tuổi, họ nghĩ bị “cơn đau tim”  khi họ bị khó tiêu. Nhưng khó tiêu dai dẳng có thể là ung thư thực quản, cổ họng, hoặc dạ dày. Khó tiêu dai dẳng hoặc xấu đi phải được báo cáo với bác sĩ của bạn.
Bác sĩ nên hỏi bệnh sử cẩn thận và đặt câu hỏi về các giai đoạn khó tiêu.
Dựa trên lịch sử bệnh và câu trả lời của bạn cho các câu hỏi, các bác sĩ sẽ quyết định những xét nghiệm nào là cần thiết.


TTƯT.BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY (dịch)

Làm thế nào phát hiện sớm ung thư da?

Tôi xem đài, đọc báo thấy nói ánh nắng gay gắt mùa hè có thể làm ung thư da. Nhưng vì công việc, tôi vẫn phải lao động hoặc đi lại ngoài trời nắng nên tôi khá lo lắng về việc này. Làm thế nào để phát hiện sớm benh ung thu da, thưa bác sĩ?
Trần Văn Liên (lienthanh678@ymail.com)

Có nhiều nguyên nhân gây benh ung thu da, trong đó tác hại do ánh nắng chỉ là một nguyên nhân. Những người có thể bị ung thư da là: bị sẹo bỏng do xăng, do vôi tôi hoặc do các vật cháy khác gây bỏng; bị các bệnh: khô da nhiễm sắc, bạch biến... Muốn phát hiện sớm ung thư da, cần dựa vào các triệu chứng sau đây: vết loét trên da dai dẳng dễ chảy máu, có khi khỏi rồi lại loét. Có những vùng da bị sừng hóa, bị chảy máu, loét, hay có cục nhỏ. Bị loét hay nổi cục tại vùng da mà trước đây có chiếu tia xạ hay có vết sẹo. Các nốt ruồi đang chuyển màu hoặc nốt ruồi phát triển to nhanh trong ít ngày hay vài tuần, nốt ruồi từ nhẵn chuyển sang gồ ghề, có vẩy hay bị loét, nốt ruồi bị ngứa, chảy máu hay chảy nước vàng, nốt ruồi trước đây ranh giới rõ, nay xung quanh nốt ruồi lại có hình răng cưa, vết khía hay nốt ruồi phát triển lệch về một phía... Nếu bạn ở độ tuổi 30-39, nên khám da định kỳ 3 năm/lần; trên 40 tuổi, nên khám hàng năm để phát hiện sớm benh ung thu da.

BS. Nguyễn Bằng Việt

Thuốc tránh thai giảm nguy cơ ung thư buồng trứng

Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai ít có khả năng phát triển benh ung thu buồng trứng, nghiên cứu này mới công bố ở Mỹ.


Thuốc tránh thai giảm nguy cơ ung thư buồng trứng

Các nhà khoa học tiến hành phân tích dữ liệu từ 24 nghiên cứu về phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, kết quả cho thấy trong thuốc tránh thai có chứa các hormon estrogen và progestin có tác dụng giảm nguy cơ benh ung thu buồng trứng ở nữ giới về lâu dài. TS. Laura Havrilesky, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Dược, Durham, Nam Carolina cho biết: những người sử dụng thuốc viên tránh thai tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng giảm 27% so với những người không dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tránh thai giảm nguy cơ ung thư buồng trứng chỉ có tác dụng với những người chưa mắc căn bệnh này và thời hạn để thuốc tránh thai có tác dụng là 5 năm trở lên.

Huệ Minh (Theo Reuters, 6/2013)

Chiến thắng ung thư phổi sau 38 năm

Ung thư là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại và vẫn được coi là một trong những chứng bệnh nan y. Tiến bộ của khoa học đã giúp kéo dài tuổi thọ của nhiều người bị ung thư nhưng tỷ lệ người sống sót ở một số bệnh ung thư sau 5 năm là rất thấp, điển hình là ung thư phổi. Tuy nhiên, có một người đàn ông đã đánh bại căn bệnh ung thư phổi suốt 38 năm qua.

Đã 10 năm nay, ông Carl Helvie giữ thói quen đi bộ mỗi sáng sớm 30 phút từ 6 giờ rưỡi sáng trên bãi biển Chesapeake Bay, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Đây là một trong những bài tập thể dục mà ông duy trì trong nhiều năm để giữ sức khỏe và đó cũng là một trong rất nhiều phương pháp ông đã áp dụng để đánh bại căn bệnh ung thư phổi mà ông được chẩn đoán cách đây 38 năm.

Chiến thắng ung thư phổi sau 38 năm

Carl Helvie viết sách và có một chương trình radio riêng phổ biến về phương pháp điều trị thay thế.
Vào năm 1974, năm ông bị phát hiện có ung thư phổi, người ta vẫn chưa chia ung thư thành các giai đoạn như hiện nay. Nhưng vốn là một tiến sĩ về ngành y tế cộng đồng, với những tài liệu y khoa mà ông có được, Carl Helvie có thể suy đoán giai đoạn ung thư của mình vào lúc đó so với cách chẩn đoán bây giờ.

Sau một thời gian suy nghĩ, cầu nguyện, tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến người thân, Carl Helvie đã quyết định chọn cách chữa trị theo hướng tự nhiên, tức không sử dụng hóa chất như cách điều trị truyền thống. Đây là một quyết định không hề dễ dàng trong khi chính mẹ của ông, người đã từng bị ung thư trước đó và được điều trị khỏi bằng cách truyền thống cũng khuyên ông nên đi mổ. Bạn bè của ông cũng cho rằng cách chữa trị truyền thống là hữu hiệu hơn cả.

Theo Viện Ung thư Hoa Kỳ, liệu pháp điều trị ung thư thay thế là liệu pháp sử dụng các loại sản phẩm và cách điều trị không thuộc cách điều trị tiêu chuẩn. Bên cạnh liệu pháp thay thế còn có điều trị thay thế bổ sung tức là được sử dụng song song với các điều trị tiêu chuẩn. Cũng theo định nghĩa của Viện Ung thư Hoa Kỳ, các điều trị tiêu chuẩn là những điều trị dựa trên các bằng chứng của các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên. Viện Ung thư Hoa Kỳ không thể xác nhận được mức độ an toàn của các liệu pháp thay thế. Hiện vẫn đang có những nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu về hiệu quả và độ an toàn của các liệu pháp thay thế điều trị ung thư.

Tin vào con đường mình đã chọn, Carl Helvie tìm đến BS. James Forsythe về ung thư ở Virginia để điều trị. Nói về liệu pháp điều trị được áp dụng, Carl Helvie cho biết: “Tôi sử dụng vitamin B17 hay còn gọi laetrile. Nguồn chính của B17 là từ nhân hạt mơ. Bác sĩ nói tôi sử dụng 2.000mg của B17 và tôi ăn thêm từ 25 - 30 nhân hạt mơ mỗi ngày. Tôi uống enzym tuyến tụy giúp làm mềm các tế bào ung thư, giúp B17 thêm hiệu quả. Tôi dùng vitamin A liều cao, vitamin E và nhiều loại vitamin B, các khoáng chất và các chất kích thích tiêu hóa. Bác sĩ cho tôi một chế độ ăn như người ăn chay với 70% là các loại rau quả sống và một số rau quả nấu cùng với các loại hạt, nhưng không có protein, không sữa, không thịt, không cá, không bánh kẹo, không có chất bột”.

Sau 3 - 4 tháng ăn kiêng triệt để, ông có thể bắt đầu ăn thêm một chút cá và các sản phẩm từ sữa, nhưng vẫn tuyệt đối kiêng đường. Ông cũng uống bổ sung thực phẩm chức năng khi cần thiết. Trong quá trình điều trị này, ông vẫn đến gặp bác sĩ gia đình của mình để theo dõi sự tiến triển của bệnh nhưng tuyệt đối không dùng thuốc Tây y. Sau 2 năm kiên trì cách điều trị, căn bệnh ung thư của ông đã hoàn toàn biến mất đến nỗi ngay chính bác sĩ gia đình của ông cũng phải nghi ngờ về sự chẩn đoán ban đầu của mình.

“Tôi điều trị ung thư trong 2 năm, nhưng 36 năm sau đó ung thư vẫn không quay trở lại. Tôi đã 81 tuổi và tôi vẫn khỏe mạnh, không có bệnh kinh niên của người lớn tuổi, không phải uống các loại thuốc kê đơn. Tôi sống trong căn nhà 3 tầng và tôi lên xuống cầu thang liên tục. Tôi tập thể dục. Nhưng tôi cho rằng sự khỏe mạnh và việc ung thư không quay lại là do tôi cầu nguyện mỗi ngày, tôi có đức tin lớn, tôi lạc quan, tôi rất cẩn thận với đồ ăn thức uống. Tôi không bao giờ ăn hot dog, không ăn hamburger, tôi không ăn đồ ăn BBQ, tôi cẩn trọng với nước tôi uống. Tôi nghĩ mọi người nên ăn các loại hạt. Tôi không ăn thịt bò trong suốt 25 năm qua. Tôi ăn thịt gà và cá. Nhưng tôi cũng phải cẩn trọng với nồng độ thủy ngân có thể có trong thủy sản. Tôi cũng không ăn cá nuôi vì sợ các chất độc trong chăn nuôi. Ngoài ra, có một điều nữa là khi người ta bị ung thư, họ thường lo lắng rằng nó sẽ quay lại, nếu bạn bận rộn và dành thời gian giúp đỡ người khác thì bạn không có thời gian để lo lắng quá như vậy. Theo tôi đó là điều tốt, vì khi chúng ta bận rộn, giúp đỡ người khác, lo lắng cho họ thay vì bản thân mình, nó giúp bạn thêm lạc quan”.

Carl Helvie cũng có một chương trình radio của riêng mình nói về cách điều trị ung thư thay thế, nơi ông phỏng vấn những người đã sống sót nhờ cách điều trị thay thế. Công việc giúp ông bận rộn và yêu đời. Ông cũng đã bỏ hoàn toàn thuốc lá kể từ sau khi phát hiện mình bị ung thư phổi.

   (Theo USAtoday)

Yếu tố nghề nghiệp liên quan đến bệnh ung thư

Khi làm việc trong môi trường nghề nghiệp, con người tiếp xúc với cả bức xạ ion hóa và virut, nhưng những tác nhân sinh benh ung thu quan trọng nhất trong nghề nghiệp chính là các hóa chất được sử dụng. Ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng từ 2-8% số ca ung thư tùy theo mỗi khu vực công nghiệp. Ngày nay, do công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, ung thư nghề nghiệp không chỉ có ở các nước đã phát triển mà còn ở các nước đang phát triển. Các ung thư do nghề nghiệp thường xảy ra ở các cơ quan tiếp xúc trực tiếp như da và đặc biệt là cơ quan hô hấp, ngoài ra phải kể đến ung thư ở cơ quan có nhiệm vụ bài tiết các chất chuyển hóa còn hoạt tính như ở đường tiết niệu.

Yếu tố nghề nghiệp liên quan đến bệnh ung thư

Ung thư nghề nghiệp đã được đề cập từ lâu. Năm 1775, Percival Pott, bác sĩ người Anh đã lưu ý các trường hợp ung thư biểu mô da bìu ở người thợ làm nghề nạo ống khói hoặc khi ở tuổi thiếu niên làm nghề này. Các thợ này thường mặc một loại quần kiểu bảo hộ lao động có các chất bồ hóng dính bết ở quần là nguyên nhân sinh ra loại ung thư trên. Ngày nay, do xã hội phát triển nên nhiều ngành công nghiệp khác có liên quan với một số ung thư chẳng hạn như sử dụng asbestos có nguy cơ xuất hiện ung thư màng phổi do người thợ hút bụi amian gây xơ hóa phổi lan tỏa và dày màng phổi. Sợi asbestos là nguyên nhân chính gây benh ung thu trung mô màng phổi. Ung thư bàng quang cũng là loại ung thư hay gặp trong nhóm nguyên nhân nghề nghiệp. Cuối thế kỷ 19 người ta đã gặp các trường hợp ung thư bàng quang ở những người thợ nhuộm do tiếp xúc với anilin. Anilin có lẫn tạp chất chứa 4-amindiphenye và 2-aphthylamin gây ung thư. Các chất này được hít vào qua đường thở và thải qua đường niệu gây ung thư bàng quang. Chất benzen có thể gây chứng suy tủy và trong số đó có một số biểu hiện bệnh ung thư bạch cầu tủy cấp. Ngoài ra, nó có thể gây bệnh đa u tủy xương và u lympho ác tính. Còn nhiều loại chất hóa học nghề nghiệp khác có nguy cơ ung thư, đặc biệt là các nghề liên quan với công nghiệp hóa dầu, khai thác dầu do tiếp xúc các sản phẩm thô của dầu mỏ hoặc chất nhờn có chứa hydrocacbon thơm.
Ðể chủ động phòng ngừa ung thư liên quan tới nghề nghiệp cần nghiêm túc thực hiện chế độ bảo hộ lao động, hạn chế thấp nhất tác động của các yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn bệnh kịp thời.

Dự án PCUT Quốc gia - Bệnh viện K TW

10 khám phá mới về bệnh ung thư vú

Ung thư vú nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ di căn vào mạch máu, mạch bạch huyết, cơ hoành và các bộ phận khác của cơ thể, phát sinh nhiều biến chứng nặng, đe dọa đến tính mạng con người. 10 phát hiện dưới đây được xem là những khám phá rất mới về căn bệnh nói trên.

Có tới 4 dạng ung thư vú

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature số ra mới đây, đặc biệt là qua phân tích gen, các nhà khoa học phát hiện thấy có tới 4 dạng ung thư vú khác nhau. Đây là kết quả nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Y khoa Washington và Trung tâm Ung thư Siteman. Theo TS. Mathew Ellis, trưởng nhóm nghiên cứu thì phát hiện trên rất độc đáo về mối liên quan giữa di truyền với ung thư. Nhờ phát hiện này mà trong tương lai người ta sẽ tìm ra thuốc đặc trị cho từng cá thể, nói cụ thể hơn là phù hợp với từng biến thể gen của mỗi người.

Ung thư vú ở đàn ông nguy hiểm hơn ở phụ nữ

Theo các chuyên gia Hiệp hội Phẫu thuật ung thư vú Mỹ (ASBS) thì đàn ông có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tuổi thọ vẫn ngắn hơn 2 năm so với phụ nữ mặc dù thời điểm phát hiện giống nhau. Ngoài ra, mức độ di căn ung thư vú ở đàn ông nhanh hơn, khi được phát hiện thường ở giai đoạn nặng, khối u lớn. Vì vậy, một khi có dấu hiệu bất thường, không nên chậm trễ, cần đi khám càng sớm càng tốt.

Cadmium - thủ phạm gia tăng ung thư vú

Cadmium (cadimi) là kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh có độc tính cao, có trong các loại quặng kẽm và được sử dụng để sản xuất pin. Đây là kim loại nặng đôi khi có mặt trong thực phẩm, nhất là cá, rau xanh dạng củ, ngũ cốc... Tạp chí Nghiên cứu Ung thư của Mỹ đăng tải nghiên cứu ở 56.000 phụ nữ cho biết, những người có khẩu phần ăn giàu cadmium thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 21% so với những phụ nữ có khẩu phần ăn bình thường hoạc có hàm lượng cadmium thấp.

10 khám phá mới về bệnh ung thư vú

Ít ngủ, thủ phạm gia tăng ung thư vú

Tạp chí Breast Cancer Research and Treatment cho biết, những phụ nữ ngủ dưới 6 tiếng/đêm, nhất là nhóm sau mãn kinh thì tỷ lệ ung thư vú ở mức cao nhất, trong khi đó ở nhóm chưa mãn kinh lại không có hiệu ứng tiêu cực này. Đặc biệt, những người càng mất ngủ nhiều thì khối u "tăng trưởng" càng nhanh. Vì vậy giấc ngủ được xem là nguy cơ gia tăng bệnh ung thư vú rất cao, mọi người cần quan tâm đến giấc ngủ, mỗi ngày cố gắng ngủ 7 - 8 tiếng.

Virut đậu mùa - cứu tinh cho bệnh nhân ung thư vú?

Tại Hội nghị lâm sàng thường niên của Trường cao đẳng Phẫu thuật Mỹ tổ chức cuối năm 2012, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu mới cho biết về triển vọng điều trị bệnh ung thư vú của virut đậu mùa. Nhất là nhóm người mắc bệnh ung thư vú ba tiêu cực (triple-negative breast cancer). Theo nghiên cứu, sau khi điều trị bằng liệu pháp virut đậu mùa (Smallpoxvirus) có ít nhất 60% các khối u được triệt tiêu và 40% có dấu hiệu hoại tử. Ung thư vú ba tiêu cực là căn bệnh khó điều trị vì nó không đáp ứng với các thủ thuật điều trị hormon hoặc miễn dịch.

Làm việc ca đêm dễ bị ung thư vú

Tạp chí Y học nghề nghiệp và Môi trường (OEM) số ra tháng 9/2013 cho biết, những phụ nữ làm việc ca đêm có rủi ro bị ung thư vú cao, nhất là những người đi làm ca đêm 2 lần/tuần. Ngoài nghiên cứu trên, nhiều tạp chí y học danh tiếng trên thế giới cũng khẳng định điều này như tờ Toronto Sun của Canada, hoặc tạp chí Ung thư Quốc tế (IJC). Theo đó, nhóm phụ nữ đi làm ca đêm có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao 30% so với nhóm đi làm truyền thống, đặc biệt càng đi ca đêm nhiều thì rủi ro bị bệnh ung thư vú càng lớn, nhất là từ 4 năm làm ca đêm, tần suất 2 - 3 lần/tuần.

Kích thước áo nịt ngực có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh

Trước tiên, hệ gen cơ thể quyết định kích thước bầu vú, kết luận này được công bố trên tạp chí BMC Medical Genetics sau khi kết thúc nghiên cứu ở 16.000 phụ nữ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thấy 7 biến thể ADN và được đặt tên là những điểm đa hình đơn nucleotide (single - nucleotide polymorphisms), gọi tắt SNP. Theo đó, nếu ai có tới 3 SNP thì rủi ro ung thư vú cao hơn những người không có các biến thể này, còn áo nịt ngực to nhỏ là thể hiện kích thước bộ ngực mỗi người có liên quan đến hệ gen trong cơ thể.

Luyện tập có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh

Theo nghiên cứu của Đại học North Carolina thì chỉ cần luyện tập ít, nhưng đều đặn mỗi ngày có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, nhất là nhóm phụ nữ sau mãn kinh. Trung bình, luyện tập 10 - 19 giờ/ tuần thì giảm được 30% ung thư vú so với nhóm không luyện tập hoặc luyện tập ít.

Bệnh đái tháo đường týp 2 có thể làm gia tăng ung thư vú

Nhóm chuyên gia ở Viện nghiên cứu Phòng bệnh Quốc tế (IPRI) mới đây đã hoàn tất nghiên cứu dài kỳ và phát hiện thấy, đối với nhóm phụ nữ mãn kinh nếu mắc bệnh đái tháo đường týp 2 thì rủi ro mắc bệnh ung thư vú rất cao, nhất là nhóm người béo phì, dư thừa trọng lượng. Lý do, bệnh đái tháo đường tác động trực tiếp đến các hoạt động, chức năng của hormon và làm cho các khối u phát triển nhanh.

Béo phì - kẻ đồng hành với ung thư vú

Dư thừa trọng lượng, béo phì không chỉ làm giảm vẻ đẹp mà còn gây bất lợi cho sức khỏe, trong đó có rủi ro gia tăng bệnh ung thư vú. Thậm chí những người đang điều trị ung thư vú nếu béo phì cũng giảm tác dụng của thuốc, thời gian phục hồi lâu hơn và nguy cơ tái phát gây tử vong cao hơn so với nhóm người có trọng lượng bình thường. Vì lý do này mà mọi người dù mắc bệnh hay không mắc bệnh cũng nên duy trì trọng lượng cơ thể ở ngưỡng hợp lý bằng cách ăn uống cân bằng, khoa học và năng luyện tập.


Khắc Nam (Theo HPC, 9/2013

Thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan



Ngày 3/10/2013, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Singapore và Hồng Kông đã thực hiện thành công phương pháp tắc mạch xạ trị cho 2 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan của Việt Nam.

Hai trường hợp đầu tiên 

Bà Đỗ Thị T. (58 tuổi, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) ngày 22/8/2013 phát hiện bị bệnh ung thư biểu mô tế bào gan. Bệnh nhân có một khối u ở gan phải kích thước 5,8 x 4,6cm. Vốn là một phụ nữ làm ruộng, có chồng là bộ đội, bà không bị đái tháo đường hay mỡ máu. Cách đây 1 năm, bà T. có chị gái bị ung thư đại tràng phải điều trị tại BVTWQĐ 108. Trong thời gian đi chăm chị ốm, bà T. cũng đã làm tất cả các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tổng thể và kết quả đều tốt.

Thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan

Trường hợp thứ hai là một trung tá quân đội - ông Phạm Văn H. (79 tuổi, ở Gia Hòa, Gia Lộc, Hải Dương). 36 năm cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ông H. đã nhiều lần vào sinh ra tử. Ông kể lại, năm 1965, ở nơi rừng thiêng nước độc, ông bị sốt rét ác tính, sau đó ông bị áp-xe gan, gan của ông khi ấy to cứng như bi đông nước. Sau đợt bệnh đó đến nay, ông luôn luôn giữ gìn trong mọi sinh hoạt, không bao giờ uống bia, không hút thuốc lá, kiêng ăn mỡ hoàn toàn. Từ tháng 7/2013, ông bắt đầu thấy đau ở hạ sườn phải, đau sâu về phía sau, đau liên miên, râm ran, nhất là về đêm, ông chán ăn, thịt không muốn nhai, bã không muốn nuốt. Vốn là một người khỏe mạnh, chẳng bao giờ ông ăn cháo, vậy mà đợt này ông không ăn được cơm, phải chuyển sang ăn cháo. Bệnh nhân có một khối u kích thước 3,7x2,9cm, có hiện tượng teo gan trái. Trong ánh mắt ông ánh lên niềm hy vọng khi biết mình được chọn là một trong hai trường hợp đầu tiên tắc mạch xạ trị.

Và kỹ thuật tắc mạch xạ trị

Ở Việt Nam, chưa có có sở y tế nào ứng dụng kỹ thuật mới này và đây là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mạnh dạn áp dụng nhằm đưa thêm một kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong lâm sàng, đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của bệnh nhân ung thư gan.
Ung thư gan hiện đang là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo một số nghiên cứu mới đây, ung thư gan được xếp hàng đầu trong các loại ung thư. Cho đến nay, phẫu thuật vẫn được coi là phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy vậy, chỉ có 20% bệnh nhân Việt Nam được điều trị bằng phương pháp này, còn phần lớn bệnh nhân đều phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật tại thời điểm phát hiện bởi ung thư gan đa ổ, tổng trạng kém, chức năng gan suy giảm do xơ gan kèm theo hoặc bệnh ung thư gan tiến triển xâm nhập hệ tĩnh mạch cửa hoặc di căn ngoài gan. 

Từ năm 2002, hóa tắc mạch qua đường động mạch đã được chấp nhận rộng rãi như là một phương pháp điều trị tạm thời cơ bản cho các trường hợp ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật. Mặc dù vậy, chỉ có 20 - 40% số bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa sống thêm 1 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị. Thời gian sống thêm trung bình của nhóm bệnh nhân này từ 3 - 6 tháng và tử vong thường do ung thư tiến triển hoặc suy gan hoặc các biến chứng của xơ gan. Thực tế trên đã đặt ra một phương pháp điều trị hữu ích mới nhằm cải thiện thời gian sống thêm ở nhóm bệnh nhân ung thư gan giai đoạn trung gian, tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa. 

Thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan


Tắc mạch xạ trị là một phương pháp can thiệp qua đường động mạch sử dụng đồng vị phóng xạ (radioisotope) đưa trực tiếp vào khối u qua đường động mạch nhằm tập trung tại chỗ liều chiếu xạ, đồng thời hạn chế tổn thương nhu mô gan lành. Phương pháp này còn được gọi là xạ trị chiếu trong chọn lọc (selective internal radiation). Đồng vị phóng xạ thường được sử dụng nhất là Ytrium-90. Từ những năm 1990, tắc mạch xạ trị với Ytrium-90 được thực hiện ở một số nước tiên tiến trong điều trị ung thư gan nguyên phát, ung thư gan thứ phát và năm 2002 được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận trong điều trị ung thư gan tại Mỹ. Tại châu Á, một số nước đã áp dụng kỹ thuật này đạt hiệu quả cao, chỉ định điều trị rộng hơn kỹ thuật hóa tắc mạch truyền thống cho ung thư gan giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa. 

Ytrium-90 được gắn vào các hạt vi cầu để đưa qua đường động mạch đến giường mao mạch khối u gan. Khối u gan bị tiêu hủy thông qua độc tính của tia xạ. Việc đưa các đồng vị phóng xạ trong xạ trị tắc mạch không những tiêu hủy khối u mạnh bằng cách phát tia beta chiếu trong tại chỗ khối u mà còn tấn công vào các viền mô gan lành xung quanh nơi tế bào ung thư xâm lấn ra cũng như tiêu hủy huyết khối do ung thư xâm lấn. Đây là tính ưu việt của phương pháp này so với các phương pháp tắc mạch thông thường.
TS. Nguyễn Tiến Thịnh - Phó chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện TWQĐ 108, trưởng kíp can thiệp cho biết, để thực hiện can thiệp này đòi hỏi có sự phối kết hợp của 4 chuyên khoa chính: y học hạt nhân, can thiệp tim mạch, nội tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, còn có sự kết hợp của các bác sĩ chuyên ngành ung thư, ngoại khoa... Ytrium-90 là chất phóng xạ, để thực hiện, Bệnh viện đã phải nhập từ Singapore và phải được cấp phép của Cục An toàn phóng xạ, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam. Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện đã 2 lần cử cán bộ sang học hỏi và thực tập cũng như các chuyên gia nước ngoài đã nhiều lần đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ trước khi chính thức thực hiện. Sự chuẩn bị bệnh nhân cũng hết sức kỹ càng. Theo PGS.TS. Mai Hồng Bàng – Phó Giám đốc Bệnh viện thì chi phí cho 1 ca tắc mạch xạ trị tại Việt Nam là 300 triệu đồng, tuy nhiên vẫn rẻ hơn so với chi phí tương tự ở Singapore là 600 triệu đồng. Hai ca đầu tiên này Bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn mọi chi phí điều trị.

Nên ăn gì khi mắc bệnh thoái hóa cột sống?



Thoái hóa cột sống không những gây khó chịu, làm cho người bệnh vận động và đi lại khó khăn mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt thường gặp ở người già và phụ nữ. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa cột sống và chế độ dinh dưỡng thích hợp để phòng tránh căn bệnh này.

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống

Một trong những nguyên nhân gây đau lưng là bệnh thoái hóa cột sống, các đốt xương sống bị hư tổn sẽ chèn ép các dây thần kinh nằm giữa các đốt sống và gây đau lưng, có khi đau nhiều đến nỗi bệnh nhân không thể đứng hay đi lại được. Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống có thể là do viêm nhiễm, do tư thế lao động, tư thế đi lại hoặc do thường xuyên mang vác các vật nặng. Tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là thoái hóa bản thân xương cột sống do chứng loãng xương gây ra. Chính vì thế chứng đau lưng thường hay gặp ở tuổi về già, đặc biệt là phụ nữ.

Khối xương của con người phát triển đến đỉnh điểm vào tuổi 20 - 30 rồi sau đó sẽ suy giảm dần. Càng cao tuổi khối xương càng bị mất đi và đặc biệt đối với phụ nữ sau mãn kinh thì khối xương mất đi càng nhanh chóng. Người ta thấy rằng ở tuổi sau 60, khối xương bị giảm đến hơn một nửa so với lúc còn trẻ và khi khối xương giảm xuống dưới 40% thì bệnh loãng xương xuất hiện với các triệu chứng lâm sàng của nó như gãy xương, thoái hóa cột sống.

Xương đốt sống của người bị thoái hóa, cột sống sẽ xốp hơn so với người bình thường nên dễ bị xẹp đốt sống và sự xẹp này sẽ đè nén lên các dây thần kinh vốn hiện diện rất nhiều giữa các đốt sống và gây đau. Xương sống cũng được hỗ trợ nhiều bởi các cơ quanh cột sống và sự phát triển tốt của hệ cơ này cũng góp phần giúp nâng đỡ cột sống tránh các chấn thương do va chạm hoặc do tư thế.

Chế độ dinh dưỡng phòng tránh thoái hóa cột sống

Để phòng tránh loãng xương cột sống, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Canxi là một nguyên tố chính yếu cấu thành xương, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1.200 mg canxi. Thức ăn chứa nhiều calci như sữa, các sản phẩm từ sữa - đây là nguồn thực phẩm giàu canxi và dễ hấp thu nhất. Ngoài ra còn kể đến các loại rau xanh, các loại thủy sản như tôm cua, các loại cá nhỏ để ăn nguyên xương cũng cung cấp một lượng canxi đáng kể. Các viên bổ sung canxi hoặc thực phẩm có bổ sung canxi cũng là nguồn cung cấp canxi cần quan tâm nếu chế độ ăn hàng ngày không đủ đảm bảo canxi.

Đậu nành không nhiều canxi nhưng lại là thực phẩm rất tốt để phòng ngừa loãng xương. Hoạt chất Genistein có trong đậu nành được xem như là hormon estrogen thực vật, có tác dụng tương tự như estrogen sinh học và đóng góp một phần quan trọng đối với sự chắc khỏe của xương. Đậu nành có thể được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như sữa đậu nành, đậu hũ sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

Ngoài thực phẩm ra, lối sống cũng đóng góp phần quan trọng để phòng ngừa thoái hóa cột sống. Thường xuyên vận động sẽ tăng hấp thu canxi, tập cho xương chắc khỏe. Thường xuyên đi ra ngoài trời sẽ tăng tạo vitamin D do da tiếp xúc với ánh nắng sẽ giúp tổng hợp vitamin D. Đây là vitamin giúp hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể. Nhiều khuyến cáo hiện nay về tình trạng thiếu vitamin D ở người cao tuổi do thời gian ở trong nhà quá nhiều, ngại đi ra ngoài do sợ té ngã. Thật ra nếu càng ít đi lại, ít vận động thì xương càng xốp, phản xạ của cơ bắp càng yếu và càng dễ té ngã. Khi đã bị té ngã thì lại dễ dàng bị gãy xương hoặc nhẹ thì rạn nứt xương gây đau lưng, đau cột sống.
Ăn uống và lối sống được xem như là hai yếu tố quan trọng để phòng ngừa loãng xương, đặc biệt là chứng thoái hóa xương cột sống ở người cao tuổi.