Vẹo cột sống bẩm sinh là căn bệnh
không thể phòng ngừa và việc điều trị cũng rất phức tạp. Khi gặp căn bệnh này cần
đến các bệnh viện chấn thương chỉnh hình
để điều trị giúp phục hồi cột sống.
Bệnh diễn tiến nhanh ở tuổi dậy thì
Vẹo cột sống bẩm sinh được xác định do rối loạn
sự hình thành và phát triển cột sống từ trong phôi thai. Gần đây, những nghiên
cứu cho thấy dị tật này có liên quan đến gien và di truyền.
Dị tật cột sống bẩm sinh được
xác định có diễn tiến nhanh hơn so với vẹo cột sống mắc phải, đặc biệt là phát
triển nhanh ở độ tuổi dậy thì. Vẹo cột sống được chia thành nhiều mức độ, góc vẹo
dưới 20 độ được xem là vẹo nhẹ, ở mức độ này bệnh nhân chưa cần điều trị mà chỉ
cần tập thể dục và học cách giữ tư thế cân bằng.
Khi góc vẹo từ 25 – 39 độ, bệnh
nhân phải mang nẹp chỉnh hình từ 16 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Nếu vẹo nặng từ 40
độ trở lên, bệnh nhân cần phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, trường hợp bệnh
nhân góc vẹo đã lên đến 107 độ là quá nặng. Vì vậy bác sĩ không phẫu thuật ngay
mà phải uốn cột sống thẳng dần, chỉ sau khi cột sống giảm độ vẹo mới được phẫu
thuật.
Biến chứng nguy hiểm
Quá trình vẹo cột sống diễn tiến
từ từ và không có cảm giác đau đi kèm nên trẻ không được quan tâm đúng mức. Qua
thực tế khám chữa bệnh, các bác sĩ ghi nhận khi thấy trẻ đau, đưa đi điều trị
thì bệnh đã ở mức độ nặng, dị tật đã gây tổn thương đến hệ tim mạch và hô hấp.
Vì vậy, việc điều trị ngay cả bằng phẫu thuật cũng không giúp hồi phục hoàn
toàn. Vẹo cột sống, ngoài việc gây mất thẩm mỹ, giảm chiều cao, lệch vai, suy
tim, suy hô hấp, người bệnh còn cảm thấy không tự tin, sinh hoạt khó khăn và giảm
tuổi thọ... Hiện nay ở VN, điều trị tật vẹo cột sống đã có những tiến bộ đáng kể,
nhưng kết quả điều trị lại hạn chế do người bệnh được phát hiện và điều trị muộn
và do chi phí điều trị còn khá cao. Hằng năm, BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM
khám và điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân, trong đó có đến hơn 30% bệnh nhân đến
khám khi bệnh đã có nhiều biến chứng và phải điều trị bằng phẫu thuật.
Nắn chỉnh bằng kỹ thuật cao
Khi vẹo cột sống đến mức độ nặng,
xương sườn cứng và lệch, mạch máu đã quen cong theo nếp của cột sống, thì việc
điều trị cần được cân nhắc kỹ. Điều trị vội vàng dễ làm gãy cột sống, đứt mạch
máu hoặc chạm dây thần kinh gây liệt. Theo bác sĩ Võ Văn Thành, Trưởng Khoa Cột
sống A BV Chấn thương Chỉnh hình, một trong những phương pháp hiệu quả là nắn
chỉnh bằng kỹ thuật cao phối hợp mổ hàn xương. Cụ thể bác sĩ sẽ lấy xương tự
thân nơi khác như xương sườn, xương mào chậu hoặc dùng xương đồng loại để thực
hiện kết hợp xương và hàn xương vĩnh viễn. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần có
sự hợp tác từ phía bệnh nhân vì thời gian điều trị lâu dài, chi phí rất tốn
kém. Thông thường, sau khi hàn xương bệnh sẽ không tái phát, tuy nhiên vì lý do
nào đó dụng cụ được lấy quá sớm thì tình trạng vẹo dễ xuất hiện trở lại. Trước
đây, sau khi hàn xương dụng cụ được để lại vĩnh viễn trong cơ thể bệnh nhân. Gần
đây, người ta phát hiện dụng cụ này gây nhiễu trong khi chụp MRI nên bác sĩ thường
lấy ra khi bệnh nhân đã hồi phục.
Sưu tầm bởi Bệnh viện FV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét